Chia sẻ: 
14/06/2021 09:31

Thứ Năm tuần 10 Thường Niên

"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".

 

Tin Mừng: Mt 5, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án". Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"

 

Suy niệm 1: Chớ giết người - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

“Chớ giết người”, đó là một trong những giới luật quan trọng. 
Dân Do thái đã nhận giới luật này từ Thiên Chúa 
qua trung gian ông Môsê trên núi Xinai (Xh 20, 13; Đnl 5, 17). 
Đức Giêsu không đến để bãi bỏ Luật Môsê. 
Ngài nâng Luật này lên một tầng cao mới. 
Không phải chỉ hành vi giết người mới là tội. 
Ngay cả ai giận ghét anh em trong lòng 
và biểu lộ ra bằng những lời nhục mạ, mắng chửi, 
cũng phải chịu những hình phạt tương tự (c. 22). 
Đức Giêsu đẩy giới răn này đến chỗ triệt để, tận căn. 
Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm con người. 
Nếu lòng con người không còn giận ghét anh em, 
và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa, 
thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được. 
Sống với nhau tránh sao khỏi những tranh chấp, cọ sát. 
Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn trương. 
Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh 
mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình, 
rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa (cc. 23-24). 
Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật 
khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha? 
Để đến được với người đang xích mích với mình, 
cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy. 
Đi bước trước để đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình, 
đó là cách làm hòa và làm lành những vết thương. 
Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay 
trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ. 
“Chớ giết người”, giới răn này xem ra bị coi nhẹ trong thế giới hôm nay, 
một thế giới tự hào là văn minh, nhưng mạng sống con người bị rẻ rúng. 
Những vụ phá thai, những tai nạn xe cộ mỗi ngày, 
những cuộc chiến không ngừng giữa các quốc gia thù nghịch. 
Bao cuộc khủng bố đã làm hàng ngàn người chết. 
Những tội ác diệt chủng đã xóa sổ cả triệu con người. 
“Chớ giết mình”, con người cũng không biết quý mạng sống mình. 
Những vụ tự tử, những cái chết do sử dụng ma túy hay ăn chơi, 
những bệnh tật do con người tự phá hoại thân xác mình. 
Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ. 
Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay. 
Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình? 
Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống? 
Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người, 
trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động . 
vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa. 

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, 
xin dạy con biết phục vụ âm thầm. 
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, 
xin dạy con biết yêu thương tự hiến. 
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, 
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. 
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, 
xin dạy con biết coi mọi người như anh em. 
Lạy Chúa Ba Ngôi, 
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, 
xin cho các Kitô hữu chúng con 
trở thành tình yêu 
cho trái tim khô cằn của thế giới. 
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, 
biết sống nhờ và sống cho tha nhân, 
biết quảng đại cho đi 
và khiêm nhường nhận lãnh. 
Lạy Ba Ngôi chí thánh, 
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa 
ở sâu thẳm lòng chúng con, 
và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen. 

 

Suy Niệm 2: Sự thánh thiện đích thực

Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như sau: tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.

Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:

- Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?

Người đàn bà trả lời:

- Tôi sống đơn độc một mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn trông thấy gì nữa.

Marchello tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:

- Vậy chắc bà phải cô đơn buồn chán lắm phải không?

Người đàn bà liền nói:

- Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.

Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:

- Thế bà cầu nguyện cho ai?

Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:

- Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung tâm này.

Chân phước Marchello ngắt lời bà:

- Bà không cầu nguyện cho bà sao?

Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:

- Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.

Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người. Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.

Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: "Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."

Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" đó sao?

Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm mến được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.

 

Suy niệm 3: Giới luật yêu thương

“Vậy nếu ngươi đi dâng lễ... hãy để đó...” (c.23-24). Chúng ta biết Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật (c.17). Và Chúa đưa ra 6 điều mà Chúa kiện toàn:

1. Giết người trong tư tưởng, lời nói (c.21-26).

2. Ngoại tình (c.27-30)

3. Bất khả phân ly trong hôn nhân (c.38-40)

4. Yêu thù nhân (c.43-47)

5. Lời thề (Mt 5,33)

6. Luật về đạo đức ăn chay... (Mt 6)

Tất cả những luật đó Chúa nhắm vào tận cõi lòng trước hết, vì tấm lòng mới là nơi tốt hay xấu. Ở đây xin được bàn riêng một giới luật của Chúa thôi, là luật yêu tha nhân và tha thứ cho họ. Nếu chúng ta không thực sự yêu trong tinh thần của Chúa, chúng ta dễ phạm vào 5 tội khác vừa kể trên.

Tại sao Chúa dạy phải yêu thù nhân và tha thứ cho anh em mình ? Thưa vì tất cả đều là anh em. Từ câu 22-24, có 4 lần Chúa nắc tới chữ “anh em”. Chúa nhắc đi nhắc lại hẳn có một ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều là anh em, đều là con của một người cha trên trời. Chúng ta sinh ra đời này, không ai chỉ sống cho mình mà thôi. Không ai là một hòn đảo. Sống là sống với, sống trong, sống cùng và cùng sống, sống vì nhau. Con người được định nghĩa là con vật có tính xã hội, cho nên họ không thể sống ngoài nhân quần xả tắc. Xã hội là môi trường, là đất tốt cho con người phát triển vể nhiều phương diện.

Nhưng phải nhận rằng cuộc sống chung cũng mang lại cho con người nhiều thực tế phũ phàng chua cay. Hàng ngày có khi chúng ta phải chứng kiến những cái chướng tai gai mắt, những khuyết điểm, những khuôn mặt, những cử chỉ lời nói lỗ mãng, những ghen tương hờn oán, đố kỵ lừa đảo. Nhưng nếu chúng ta ý thức được rằng trăm người trăm tính, trăn người chịu ảnh hưởng của trăm ngàn hoàn cảnh giáo dục khác nhau. Cho nên trăm người có trăm lối xử sự. Chính vì vậy mà để nên một và hiệp nhất với nhau, thì Chúa kêu gọi lòng nhẫn nhục tha thứ. Thật vậy, trước nỗi bất công vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây ra cho chúng ta như xỉ nhục, cười chê... tự nhiên chúng ta thấy lòng tự ái bị va chạm không thể nhịn được, làm cho lòng chúng ta sôi lên như muốn nổ tung, muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người trần tục. Còn Chúa thì Chúa dạy “nếu anh em ngươi có điều gì...” (c.23). Mình không phải là kẻ gây ra lầm lỗi mà đi xin lỗi thì đó bậc quân tử, bậc trên. Thấy người ta có lỗi với mình đã phải tha thứ rồi. Dĩ nhiên đó là lý tưởng. Nhưng lý tưởng phải đạt tới.

Vậy chúng ta cần nhớ rằng chúng ta không thể là không bao giờ làm vừa lòng hết mọi người được đâu. Lưỡi câu làm sao uốn cho vừa hết mọi miệng cá. Ông trời kia, mà họ còn chê dở chưa cân. Cho nên làm vừa lòng hết mọi người là chuyện ảo tưởng. Mà nếu có ai làm vừa lòng như vậy thì... không là người thường. Vậy chúng ta nên nhớ rằng chúng ta chỉ có thể làm vừa lòng đa số và đó là tốt rồi. Vì thế chuyện bất hòa xích mích rỉ tai là chuyện cơm bữa. Cho nên nếu được, chúng ta hãy đi bước trước dàn xếp sự việc thì tốt nhất còn nếu không thể được thì phó mặc cho Thiên Chúa quan phòng xếp đặt tương lai.

Đối với Chúa, Ngài không gây bất công cho ai bao giờ mà bị đối xử bằng thập giá. Tội chúng ta xứng với hình khổ chúng ta chịu chứ  (Lc 23,41). Chúng ta nên nhớ có khi chúng ta làm khổ nhục anh em mình còn hơn anh em làm khổ mình đó... Con người còn sống là còn khuyết điểm. Bao lâu còn sống là còn cần được tha thứ và tha thứ cho nhau.

- Nếu chúng ta không chịu tha thứ cho anh em. Thiên Chúa không tha cho chúng ta (Kinh lạy Cha)

- Lấy oán báo oán, oán ấy sẽ chập chồng lên oán (Đức Thích Ca) 

- Lấy đức báo oán, oán ấy sẽ tiêu tan. Lấy tình thương xóa bỏ hận thù.

- Thêm bạn bớt thù...

Giáo lý của Chúa thật là cao siêu và vượt quá tầm hiểu biết của nhiều người. Nhưng Thiên Chúa là Đấng thượng trí vô cùng, không bao giờ  bắt con cái phải làm việc gì mà Ngài việt họ không là được. Luật Chúa khó thật. Nhưng Chúa dạy phải làm, làm với lòng muốn và ý chí và ơn thánh thì sẽ được.

 

Suy niệm 4: Sự công chính đích thực

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh là cần phải có sự công chính cao hơn sự công chính của các luật sĩ và biệt phái, mới có thể vào được Nước Trời. Những bậc thầy trong dân Do Thái thời Chúa Giêsu đã bị rơi vào tinh thần vụ hình thức. HoÏ đặt sự công chính và thánh thiện nơi việc tuân giữ khít khao luật Môsê, họ quên đi tinh thần, quên đi thái độ nội tâm, quên đi cái cốt lõi của mọi sự là tình yêu thương. Còn Chúa Giêsu, Ngài muốn cho các môn đệ Ngài phải nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành.

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cho thấy giáo huấn của Ngài trổi vượt hơn luật Môsê: "Các con đã nghe luật Môsê dạy người xưa... Còn Thầy, Thầy bảo cho các con biết...". Điều răn thứ năm cấm giết người, nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn: lời nói, hành động, thái độ bên trong cần thấm nhuần tình yêu thương. Tinh thần của luật cấm giết người đã được Chúa Giêsu thiết lập lại. Chúa nhắc đến việc tha thứ hòa giải huynh đệ được gắn liền với việc cử hành phụng vụ: Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Việc đón nhận Mình Máu Chúa đòi buộc phải có tình yêu thương và sự hòa hợp an bình với anh em, vì Chúa Kitô mà người Kitô hữu lãnh nhận là hiện thân của tình thân, của sự hòa giải của Thiên Chúa và với nhau. Thánh Thể ban cho con người sức mạnh để sống yêu thương. Không thể cử hành Thánh Thể đúng theo ý Chúa, nếu không thực thi tình yêu thương và tha thứ. Hiểu như thế, chúng ta mới hiểu rõ hơn tại sao thánh thiện công chính của người Kitô hữu phải trổi vượt hơn của những vị lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống liên kết với nhau trong tình yêu thương, để cộng đoàn chúng ta trở thành dấu chỉ tình yêu cho những người chung quanh.

 

Suy niệm 5: Thể hiện của niềm tin 

Một người đàn ông thường tự hào về lòng tín thác của mình nơi Thiên Chúa, gặp bất cứ tai họa nào, người đó cũng thốt lên : "Tôi tin Chúa. Chúa sẽ cứu tôi”. Thốt lên như thế, người đó cũng khước từ mọi thứ giúp đỡ của người khác.

Một hôm sau trận mưa lũ, nước tràn ngập khắp vùng, nơi duy nhất người đó cảm thấy an toàn chính là mái nhà. Nhưng nước mỗi lúc một dâng cao, mái nhà mỗi lúc một chìm trong nước. Một chiếc ghe cấp cứu đi qua nhưng người đó vẫn đứng yên trên mái nhà và thốt ên : “Tôi tin Chúa, Chúa sẽ cứu tôi". Khi nước dâng lên mái nhà, người đó chỉ còn cách đu lấy ống khói lò sưởi. Một chiếc trực thăng bay qua với cố gắng sau cùng tìm thấy vài người sống sót. Viên phi công cho máy bay đến gần để vớt ông, nhưng ông vẫy tay khước từ và nói lớn: “Tôi tin Chúa, Chúa sẽ cứu tôi". Thế là điều gì phải đến đã đến : ống khói lò sưởi cũng bị ngập và người đó đã bị chết chìm trong dòng nước.

Sau khi chết, người đó ra trước mặt Chúa và phàn nàn : "Chúa biết con tin tưởng nơi Chúa, thế tại sao Chúa không cứu vớt con ?". Chúa trả lời : con còn đợi Ta phải làm gì cho con nữa ? Ta đã gửi đến cho con 2 chiếc ghe và một chiến trực thăng".

Câu chuyện trên có thể giúp chúng ta hiểu phần nào câu nói của thánh Yacôbê : “đức tin không có việc làm là đức tin chết". Đức tin nếu không được thể hiện bằng việc làm của đức ái, thì đức tin ấy chỉ là đức tin giả hiệu. Người đàn ông trong câu chuyện trên có thể là hình ảnh của nhiều người trong chúng ta : chúng ta cố bám vào sự cầu nguyện, việc cử hành phụng vụ, các Bí tích như một pháo đài kiên cố của đức tin, nhưng chúng ta lại tự giam mình vào đó để cắt đứt liên lạc với cuộc sống thực tế, để khước từ mọi dấn thân phục vụ. Sống đạo như thế chẳng khác nào một người đang chới với giữa dòng nước mà vẫn khăng khăng khước từ mọi giúp đỡ của người khác.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: đức tin và đức ái plâi được liên kết chặt chẽ với nhau. Sợi dây liên kết hai nhân đức ấy là điều tất yếu trong đời sống đạo : "Nếu ngươi dâng của lễ mà sực nhớ anh em có điều bất bình với ngươi, người hãy đặt của lễ đó trứơc bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi" 

Bàn thờ chỉ được dựng lên, nhà thờ chỉ được xây cất, lễ vật chỉ được tiến dâng, nếu đó là kết quả của gặp gỡ trong phục vụ, yêu thương và tha thứ. Ngược lại, bàn thờ càng phải là con đường dẫn đến những gặp gỡ yêu thương.

Qua cầu nguyện, qua phụng vụ, người kitô hữu đón nhận sức sống của Thiên Chúa để rồi san sẻ cho người khác, chứ không giữ lấy cho mình. Có bốn bức tường yên lặng của nhà thờ để cầu nguyện, nhưng cũng có cả một chờ đợi để gặp gỡ yêu thương. Quyên tiền xây thánh đường là điều nên làm, nhưng các viên gạch xây thánh đường sẽ thành mai một, nếu mỗi kitô hữu không trở thành viên gạch sống động bằng việc làm của đức ái.

Là chứng nhân đang sống và hoạt động trong từng sinh hoạt cuộc sống, ước gì mỗi kitô hữu biết thống nhất cuộc sống bằng cách thể hiện niềm tin bằng những hành động cụ thể của bác ái, phục vụ, chia sẻ, cảm thông, tha thứ. Chỉ như thế chúng ta mới có thể đến nhà thờ dâng của lễ lên Thiên Chúa Tình yêu.

 

Chia sẻ: