Tin Mừng: Mt 5, 33-37
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".
Suy niệm 1: Có thì nói có - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại.
Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn,
vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa.
Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề.
Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói.
Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).
Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.
Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),
vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.
Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,
và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33).
Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.
Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói,
vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.
Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề
có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,
người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).
Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề.
Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình
Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,
vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.
Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.
Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.
Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả.
Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,
vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).
Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,
Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,
tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.
Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không,
như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).
Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).
Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc.
Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.
Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ
trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội.
Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.
Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi.
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.
Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.
Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Suy Niệm 2: Có thì nói có
Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.
Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.
Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng không nói ghét thành yêu.
Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài.
Suy niệm 3: Ai là người nói thật
Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng : chớ bội thề, nhung hãy trọn lời thề với đức Chúa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề vì trời là ngai Thiên Chúa. (Mt. 5, 33-34)
Mọi người đều dối trá
Mỗi ngày ta đều có được những kinh nghiệm sống tuy nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩ. Chẳng hạn mấy đứa con chúng ta cãi lộn nhau. Đứa này bảo đứa kia đã gây sự trước. Đứa kia cũng nói lại như vậy. Đứa nào đúng? Một tin lớn đăng tải trên trang đầu của tờ báo. Hôm sau lại nói ngược lại. Tin nào đúng? Chính quyền tỉnh cho công bố những bảng thống kê. Mười ngày sau chính quyền liên bang lại đưa ra bảng thống kê của mình. Phải tin ai đây?
Trong xã hội ta hôm nay, những thông tin quả là phong
phú, những phương pháp truy cứu lại rất khoa học, những bản điều tra thật tường tận, vậy mà chúng ta vẫn luôn phải tự hỏi rằng : "Ai đúng?" Ta thường xuyên liên hệ với những người mà ta tin là liêm chính và ngay thẳng. Ta tin cậy họ, thậm chí có thể yêu mến họ. Nhưng biết bao lần ta phải tự hỏi : "Không biết lần này ông ta có nói đúng sự thật cho mình không?". Ta có cảm tưởng như chung quanh ta mọi người đều dối trá cả.
Cho đến giờ, ta đã chỉ nói đến những người nói dối ta. Thiết tưởng cũng nên nhìn vào mình một chút. Ai trong ta, xưa rày chỉ nói sự thật? Chúng ta chắc cũng không lạ gì với những cách nói nửa vời, những câu trả lời lấp lửng, những kiểu thêm thắt, bịa điều đặt chuyện, nói quanh co điều ta nghĩ và biết, chung quy gọi là dối trá, lươn lẹo.
Hãy vun trồng sự thật
Chúa Giêsu yêu cầu ta vun trồng sự thật. Nói "có" khi phải nói "có", nói "không” khi phải nói "không". Nói "có” hay "không” đều phải rõ ràng dứt khoát. Đạt được như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Ta thường phải khó chịu, đôi khi phải nhượng bộ nữa. Để biết nói sự-thật, tâm hồn ta phải thật trong sáng, ngay thẳng và trong một vài trường hợp, phải có nhiều can đảm. Thế nhưng ta phải tập cho quen biết nói sự thật, và phải tập ngay từ bây giờ, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết nói sự thật cả.
Suy niệm 4: Đừng thề gian
Chúng ta được biết qua điếu răn thứ II: việc thề hứa trên căn bản là việc làm nhờ Thiên Chúa chân thật để chứng giám cho một công việc minh chính trực mình làm hoặc chứng giám cho một điều mình bị vu oan cáo vạ. Điều này là việc làm vinh danh Thiên Chúa. Lời thề tự nó là một điều tốt.
Trong Cựu ước, người ta trao đổi lời thề với nhau hoặc để kết ước với nhau (Stk 21,22-32) hoặc để bảo đảm cho những lời hứa (Stk 24,2-4), hay quyết định của mình (1Sm 14,44) sẽ không thay đổi. Người xưa còn dùng lời thề vào cả việc điều tra pháp lý (Xac 22,7). Dân Israel đã được Thiên Chúa Giavê thề bằng ký giao ước (Dnl 4,31), để loan báo cuộc phán xét của Chúa (Ds 14,21), để nhấn mạnh uy quyền của lời Thiên Chúa (Xac 20,3). Nhưng rồi sau thời gian lưu đày trở về xảy ra những lạm sụng là thề gian. Thập giới lên án thề gian (Xac 20,7). Các tiên tri lên án (Os 4.2. Giêr 5,2 Mal 3,5). Tiên tri Giêrêmia chỉ cho phép “Người sẽ lấy sự thật thà, ngay thẳng công bình mà thề rằng nhờ Thiên Chúa hằng sống...”
Nhưng qua Tân ước, trong bài giảng trên núi cho các môn đệ, Chúa Giêsu cấm các môn đệ không được thề thốt gì (c.33-37): Người ta không nên lấy những gì thuộc về Thiên Chúa mà thề, vì họ không phải là chủ những điều đó, và các môn đệ không được tìm một bảo đảm nào khác ngoài lời Ngài và tấm lòng thành thực huynh đệ. Cho nên vấn đề Chúa cấm thề ở đây là Chúa cấm thề gian mà thôi. Sở dĩ Chúa cấm thề vì người ta hay vịn cớ đó để thề gian thề dối. Chúa muốn chúng ta phải sống ngay thẳng, thật thà. Có nói có, không nói không. Không được thêm bớt bịa đặt gia giảm....
Trong khi nhóm biệt phái không thấy được điểm này mà chỉ dạy cách là sao không mắc lời mình thề thốt thôi, chứ không để ý gì đến vấn đề thề thật hay giả dối ở trong cuộc sống. Đối với Chúa, thì thật thà là tiên quyết, là ưu tiên. Chúa nói “Ta là sự thật” (Gio 14,6). Nhóm biệt phái không muốn thề dối đâu. Nhưng nếu có thể dối thì ráng giữ vẹn lời thề đó. Như vậy là sạch tội và yên tâm sống, không có gì là khó chịu cả. Đó là tiêu chuẩn của họ. Giờ đây Chúa muốn cho họ thấy một tiêu chuẩn cao hơn là không phải chỉ thề rồi la mà giữ. Không phải sống một sao để lúc nào cũng luôn luôn thật dù có thề hay không thề.
Thật ra có những người dựa vào lời thề để nói dối mạnh hơn và nhiều hơn. Nói dối thì ở đâu cũng có người nghe, người tin. Thế nhưng Chúa biết. Biết tự tấm lòng chúng ta nữa. Cho nên nói dối được một số người, nhưng không nói dối được Thiên Chúa đâu. Kinh Thánh dạy rằng loài người nhìn bên ngoài, còn Thiên Chúa nhìn bên trong. Vậy thì chúng ta thề hay không, thì những đã biết rồi. Do đó Chúa nói: “Đừng thề chi hết” (c.34).
Chúa thể nói người hay thề thốt nhất là người hay nói dối nhất. Những người này cứ hay dựa vào một lời thề mà nói dối thêm. Ở đời này bất cứ cái gì thật rồi cũng có cái giả liền bên. Có cả Kinh thánh giả nữa kia mà.
Tóm lại ở đây Chúa cấm chúng ta thề bằng cách dựa vào các tạo vật thụ tạo của Chúa. Chúa bảo đừng chỉ Giêrusalem, đầu người, những tạo vật ấy là những vật hay thay đổi tạm bợ mong manh dễ hư. Chúng không bảo đảm được gì nếu chúng ta thề gian dối.
Chúa dạy chúng ta “Có nói có, không nói không” (c.37) nghĩa là không được nói hai ý, úp mở hai lòng, ương ương dở dở. Có những câu nói, có những sự thật nói ra sợ mất lòng, nên có người tìm cách để rồi bớt xén, thêm hoa là cành vào, thành thử cuối cùng cũng ra nói dối. Nhưng tiêu chuẩn của Chúa là nói thật luôn luôn trong mọi hoàn cảnh. Nếu chúng ta nói thật mà bị vu oan cáo vạ, thì đìng lo vì tất cả những gì thêm đặt là do ác tà bày ra (c.37). Cho nên khi nói dối là nói theo ma quỉ. Dối trá là ngược hẳn lại với bản tính của Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng.
Hãy nhớ nơi vườn địa đàng, ma quỉ cám dỗ ông bà bằng một sự thật được sửa sai đi có tí ti. Mọi “lời ăn tiếng nói vô ích sẽ bị phán xét” (Mt 12,36).
Suy niệm 5: Nói hết sự thật
Có hai người bạn vào rừng đi dạo gặp một hồ nước trong. Hai người muốn lội xuống tắm, nhưng còn do dự vì lo sợ có điều chi nguy hiểm. Bỗng một người thợ săn đi ngang qua, hai người liền hỏi: "Bác có biết hồ này không?"
Người thợ săn đáp: "Tôi biết rõ lắm, vì từ lâu, mỗi ngày tôi đều đến đây săn thú rừng".
Hai người lại hỏi: "Hồ này có sâu không? Có ai cấm chúng ta lội xuống tắm không?"
Người thợ săn trả lời: " Hồ không sâu lắm và cũng chẳng có ai cấm chúng ta tắm cả ".
Nói xong, người thợ săn bỏ đi nơi khác. Nhưng đi chưa được bao lâu, thì một trong hai người bạn mặt mày xanh lét chạy đến trách người thợ săn: "Bác ác lắm, tại sao không nói cho chúng tôi biết là dưới hồ có cá sấu. Anh bạn tôi đã bị cá sấu cắn mất một cánh tay rồi”.
Người thợ săn điềm nhiên trả lời: "Tôi đâu có trách nhiệm trong tai nạn này. Các anh hỏi gì, tôi đã trả lời đủ cả rồi mà".
Chúng ta suy nghĩ thế nào về thái độ và câu trả lời của người thợ săn. Quả thật, người thợ săn đã trả lời các câu hỏi, nhưng chưa nói hết sự thật, và điều đó chẳng giúp ích gì, mà có khi còn gây hại cho người khác hơn cả sự nói láo nữa.
Có thì nói có, không thì nói không, người môn đệ Chúa cần phải nói sự thật vì tình thương và muốn điều tốt cho người khác. Lời thề là một phương thế để tự vệ , để che dấu sự thiếu tin tưởng. Trong thâm tâm, người ta nghi ngờ nhau, do đó muốn dùng lời thề để củng cố thêm sự tin tưởng.
Tuy nhiên phương thế hữu hiệu nhất để tạo sự tin tưởng không phải là sự thề thốt bên ngoài, mà là thái độ chân thành, nghiêm chỉnh từ bên trong và xuất phát từ tình yêu thương. Nếu người thợ săn có chút lòng thương hai người bạn, thì chẳng những trả lời câu hỏi mà còn phải nhắc nhớ dưới hồ có cá sấu. Ông ta không thể tránh né trách nhiệm về tai nạn với lý do là đã trả lời đủ.
Trong thực tế, chúng ta cũng thường hành động như người thợ săn trên đây, vì sự ích kỷ, hẹp hòi. Xin Chúa thanh luyện tâm hồn chúng ta để sống chân thành với người khác và biết sử dụng tốt miệng lưỡi để phục vụ người khác.
Suy niệm 6: Chân thật trong lời nói
Nhiều người trong chúng ta thuộc lòng câu chuyện “Cái lưỡi” của Xénophon, sống vào thế kỷ VI Xénophon bị bắt làm nô lệ trong một nước láng giềng. Biết ông là người tài giỏi, vua trao cho ông nhiều việc. Một trong những việc quan trọng là thiết tiệc, Vua sai ông chọn một món ăn ngon nhất để đãi khách. Oâng liền ra chợ mua toàn là lưỡi về nấu. Thực khách ăn khen ngon.
Nhưng một lần, hai lần, ba lần, lần nào người đầu bếp cũng chỉ đãi toàn lưỡi. Ngạc nhiên, nhà vua cho tìm ông đến hỏi lý do. Người nổi tiếng là khôn ngoan mới giải thích : Còn gì quí hóa cho bằng lưỡi : lưỡi là máy khôn ngoan, nhờ lưỡi ta học biết điều khôn ngoan, nhờ lưỡi con người biết ca tụng lẫn nhau, nhờ luỡi con người giao ước với nhau và dâng lời cảm tạ Thượng Đế: không gì cao quí cho bằng lưỡi.
Nhà vua lấy làm ưng ý về sự giải thích đó, và để thử lòng nhà hiền triết, vua sai ông nấu một món ăn dở nhất. Lại một lần nữa, Xéxonphon nấu toàn là lưỡi. Khi được vua chất vấn, ông giải thích : Tâu bệ hạ, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi, dưới ánh mặt trời này còn gì xấu xa mà lưỡi không can dự vào : phản bội, bất công, gian dối, lừa đảo, trộm cắp, giết người, chiến tranh, tất cả đều do cái lưỡi : nó có thể làm sụp đố cả Đế quốc, có thể hủy hoại cả một dân tộc, đạp đổ cả một gia đình, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi .
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần hối tiếc vì những lời do miệng lưỡi chúng ta thốt ra. Và một lời lẽ xúc phạm đến người khác cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa. Một lời dối trá cũng là một lừa đảo người khác, đồng thời xúc phạm đến bản thân bởi vì đánh đổ hình ảnh Thiên Chúa - đấng chân thật.
Trong Tin mững hôm nay, Chúa Giêsu đã quảng diễn giới răn về thề thốt của Cựu ước. Cựu ước chống lại sự dối trá bằng cách đưa ra một luật về lời thề. Làm như thế, một cách nào đó Cựu ước vẫn còn khoan dung cho dối trá. Chúa Giêsu đến đế kiện toàn lề luật, Ngài bãi bỏ sự thề thốt. Sở dĩ có thề thốt là vì có dối trá. Chúa Giêsu không chấp nhận dối trá dưới bất cứ hình thức nào và trong trường hợp nào. nên Ngài cũng bãi bỏ cả lời thề.
Thiên Chúa tự mạc khải trước tiên cho con người bằng lời. Ngài phán một lời liền có trời đất muôn vật. Lời của Thiên Chúa là lời hữu hiệu. Thiên Chúa giữ lời của Ngài. Nơi Ngài lời hành động là một. Lời của Thiên Chúa cuối cùng đã trở thành người. Qua cuộc sống, cái chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu là lời chân thật, lời của tình yêu Thiên Chúa ngỏ với con người. Qua Đức Gêsu Kitô, Thiên Chúa đã bày tỏ tất cả hình ảnh của Ngài. Do đó chỉ trong Đức Giêsu Kitô, con người mới thực sự tìm thấy hình ảnh Thiên Chúa đã được khắc ghi trong tâm hồn. Ơn gọi của Kitô hữu chính là sống theo hình ảnh ấy, chính là bày tỏ hình ảnh chân thực ấy. Và sống theo hình ảnh ấy chính là bước theo Đấng đã tuyên bố : "Ta là đường, là sự thật và là sự sống". Nơi Ngài, lời nói hành động và cuộc sống là một, do đó người kitô hữu cũng được mời gọi để thống nhất cuộc sống như thế.
Sống trong một xã hội xây dựng trên dối trá, con người cũng dễ biến dối trá thành một thứ bản năng thứ hai. Phải chăng dối trá không là đặc điểm của ma quỉ. Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi thần dối trá. Ngài mời gọi chúng ta đi theo con đường sự thật và làm chứng cho sự thật. Ước gì cuộc sống hàng ngày của chúng ta là một thể hiện của niềm tin. Ước gì mỗi gặp gỡ, trao đổi của chúng ta với tha nhân là một nhập thể bằng xương, bằng thịt của chân lý mà chúng ta không ngừng tuyên xưng .