Chia sẻ: 
14/06/2021 09:31

Thứ Ba tuần 10 Thường Niên

"Các con là sự sáng thế gian".

 

Tin Mừng: Mt 5, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". 

 

Suy niệm 1: Muối cho trái đất - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Người ta thường định nghĩa Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô, 
là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa, 
hay đơn giản là người bạn của Ngài. 
Chẳng thể nào nói đến Kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô. 
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ, 
những người vừa được nghe các Mối Phúc, 
Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ. 
“Các con là muối cho trái đất” (c. 13). 
“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c. 14). 
Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người Kitô hữu. 
Không có Kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất. 
Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau. 
Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi. 
Muối có nhiều công dụng. 
Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân. 
Muối cần cho sự sống thường ngày con người. 
Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ. 
Họ cần cho trái đất này, 
Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất. 
Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn. 
Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa. 
Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46). 
Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới. 
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi. 
Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có. 
Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người. 
Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện. 
Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng, 
khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng. 
Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được. 
Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại. 
Căn tính của người Kitô hữu cũng vậy. 
Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương. 
Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình, 
nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa. 
Một phần ba thế giới là Kitô hữu, 
bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo. 
Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay. 

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, 
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, 
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu, 
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo, 
thì thế giới này sẽ đổi khác, 
Hội Thánh sẽ đổi khác. 
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ. 
Nếu khối bột chẳng được dậy lên, 
thì là vì men đã mất phẩm chất. 
Chúng con phải chịu trách nhiệm 
về sự dữ trên địa cầu : 
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra. 
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, 
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian. 
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, 
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, 
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, 
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, 
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm. 
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con, 
và không cho chúng con được yên ổn. 
Ước gì một tỉ người công giáo 
chịu để Chúa chi phối đời mình 
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến. 
Như thế vũ trụ này 
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa. Amen. 

 

Suy Niệm 2: Muối và Ánh Sáng

Muối là để làm gia vị, đèn là để soi sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội. Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.

Các tín hữu tiên khởi đã xác tín về điều đó, cuộc sống bác ái yêu thương của họ đã là muối và ánh sáng cho nhiều người. Những tiến bộ về khoa học, văn hóa, kinh tế và ngay cả chính trị tại Âu Châu thời Trung Cổ quả là thể hiện vai trò muối và ánh sáng của Giáo Hội. Không ai có thể vai trò hạt nhân về phát triển của các Tu viện Công giáo. Văn minh Tây phương, dù muốn hay không, vẫn là văn minh Kitô giáo. Những giá trị tinh thần mà nhân loại đạt được ngày nay, như tự do, dân chủ, nhân quyền, đều là những giá trị xuất phát từ Kitô giáo. Qua những giá trị tinh thần ấy, chúng ta có thể nói rằng muối của Giáo Hội đã ướp được phần lớn trái đất, ánh sáng của Giáo Hội đã chiếu soi vào những góc tối tăm của tâm hồn.

Tuy nhiên, hình ảnh muối và ánh sáng vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội? Ðã qua hơn 2,000 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn 2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.

Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá, Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: "Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của Chúa".

Ðã có một lúc Giáo Hội gặp nhiều dễ dàng và thuận tiện trong việc thực thi sứ mệnh: cả một quốc gia, cả một lục địa đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng, cũng có biết bao thời kỳ Giáo Hội bị khước từ, bị bách hại, đây chính là lúc không thuận tiện mà thánh Phaolô nói đến và cũng là lúc Giáo Hội càng phải rao giảng mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Chính vì là thiểu số, và là một thiểu số bị loại trừ và bách hại, Giáo Hội lại càng phải ý thức hơn về vai trò là muối và ánh sáng của mình.

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với Giáo Hội chính là thỏa hiệp: thỏa hiệp để được một chút dễ dãi, thỏa hiệp để được một chút đặc quyền đặc lợi. Thực ra, đã là thỏa hiệp tức là đánh mất một phần căn tính của mình: thay vì muối để ướp cho mặn, thì muối lại đánh mất chất mặn của mình đi; đã là đèn dùng để soi sáng thì đèn lại bị đặt dưới đáy thùng; thay vì rao giảng lời chân lý, Giáo Hội thỏa hiệp để chỉ còn rao giảng lời của những sức mạnh đang khống chế mình. Xét cho cùng, sứ mệnh của muối và ánh sáng cũng chính là sứ mệnh của tiên tri. Số phận của tiên tri là số phận của thiểu số, nhưng là thiểu số dám lên tiếng rao giảng chân lý, sẵn sàng tố cáo bất công, và dĩ nhiên sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống mình.

Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.

Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh, để dù chỉ là một thiểu số, chúng ta vẫn luôn là muối có sức ướp mặn xã hội, là đèn có sức chiếu soi xã hội.

 

Suy niệm 3: Là muối cho đời

“Các  con là  muối đất”

Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng. Ỏ Palestin và vùng Ả Rập có rất ít củi, nên người ta dùng phân lạc đà rồi rắc muối mà đốt, nhất là muối từ biển chết rất cháy – vì giàu chất Clorua-ma-nhê-sium. Đối với chúng ta, muối dùng để tra đồ ăn cho thêm hương vị mặn mà. Muối để ướp đồ ăn lâu không hư hỏng. Trong y học, người ta còn dùng muối bảo vệ sinh tố, để làm nhang thuốc như để dễ tiêu hoá hay dẫn thuốc vào thận. Riêng Kinh Thánh cũng có cảm tình với muối.

Trong cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Người ta gọi Thiên Chúa Giavê đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói “các con là muối đất” (c.13). Là muối ít là trong hai ý nghĩa:

1. Thêm hương vị: thêm sức sống ơn thánh.

2. Bảo vệ đồ ăn khỏi hư thối: bảo vệ chân lý hằng sống.

Vâng, người Kitô hữu sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian. Họ là những con diều bay trên không, mà cái dây vẫn cột vào trái đất. Người con cái Chúa nhớ mình cũng là một phần tử trong một xã hội loài người mà mình đang sinh sống. Chúng ta có những bổn phận đối với gia đình, xã hội, đối với những giá trị cao đẹp trên đời này. Chúng ta không bước ra khỏi trần gian, vẫn còn ở lại trong cõi đời này với chủ đích là muối đất, loài người đại diện của Thiên Chúa. Nhưng trên hết chúng ta là công dân của Nước trời. Là con cái của Thiên Chúa. Cho nên họ phải cẩn thận đừng để hư vinh làm quên lối về trời.

Thánh Phaolô nhắc nhớ ta phải nhớ mình sống ở trần gian như là một lữ khách đang đi về trời (Dt 13,14). Cho nên bất cứ ở đâu, ta phải như sen giữa bùn lầy. Ta phải đóng vai trò quan yếu như muối mặn. Ta phải thêm hương vị cho đời như những con én bay lượn múa hót trên cao, tăng thêm niềm vui cho mùa Xuân trên những xóm nhỏ. Thêm sức sống, thêm hy vọng, thêm hạnh phúc, thêm tình yêu, thêm hiệp nhất và thêm đức tin cho gia đình và anh em xóm ngõ.

Nơi đâu mình sống, phải nhớ rằng mình là đại diện, là đại sứ của Thiên Chúa gửi tới đó. Một vị đại sứ có nhiệm vụ làm cho người nước ngoài hiểu biết về nước mà mình làm đại diện. Con cái Chúa phải như thế và hơn thế. Bao nhiêu người đang nhìn vào chúng ta để biết về Thiên Chúa. Cho nên bất cứ nơi đâu ta sống, ta phải là hiện thân của sự nhập thể, là chứng nhân cho Thiên Chúa ở đó. Ta phải giữ gìn cho thuần phong mỹ tục, luân lý, chân lý đức tin khỏi bị băng hoại vì bản tính tự nhiên của con người sau tội tổ tông.

Nói được rằng, đời sống người Kitô hữu vất vả như lội ngược dòng suối tìm về nguồn. Ta nên nhớ rằng, tất cả châu báu vàng bạc trần thế này không thể ướp mặn được một linh hồn nào cả, mà chỉ có dòng máu thánh Chúa Kitô với sư cộng tác của chúng ta mới được. Nhưng nhớ rằng, chính mình phải là thứ muối mặn. Chúng ta biết muối dù tốt đến đâu, nhưng gặp phải khí ẩm là tan hoặc hóa ra muối lạt, không còn dùng vào việc chi nữa. Một khi muối đã lạt rồi thì không thể nào ướp hay hấp cho mặn lại được. Cho nên người ta đổ ra ngoài đường đi chờ cho nắng quái mưa sa mà trở về với cát bụi. Nói khác đi là bị quên lãng mãi mãi. Đó chính là hình ảnh của một cuộc sống. Một khi người Kitô hữu không còn mến Chúa yêu người, không còn ơn  thánh hóa, thì chắc chắn không còn ích gì cho mình và cho anh em mình nữa. Họ sẽ bị người đời và chính Thiên Chúa quên đi trong vĩnh cửu.

 

Suy niệm 4: Chứng tá đời sống

Bằng ba hình ảnh khác nhau, Chúa Giêsu nói về thực thể của người môn đệ: muối đất, ánh sáng thế gian, thành xây trên núi. Ba hình ảnh khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau và qui về ý nghĩa chung, đó là chứng tá đời sống của người tin Chúa để phục vụ anh em.

"Các con là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp cho mặn lại được. Nó chỉ còn bị ném ra ngoài cho người ta chà đạp thôi". Muối là yếu tố bình dân có mặt trong mọi nền văn hóa, mọi dân tộc. Muối là phương thiện duy nhất được dùng để giữ cho đồ ăn không bị hư, và làm cho các món ăn có mùi vị mặn nồng, thơm ngon. Trong Kinh thánh, muối ám chỉ sự khôn ngoan, và sự khôn ngoan này hệ tại biết và thi hành thánh ý Chúa được mạc khải trong luật Môsê. Như thế, người Kitô hữu được sánh như muối đất, có nghĩa là người đã lãnh nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua Chúa Kitô, biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Người Kitô hữu một khi đã lãnh nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì cần phải hiện diện trong xã hội, một sự hiện diện âm thầm, nhưng I ất hữu hiệu để tác động và ảnh hưởng tốt đến môi trường chung quanh.

Chính vì thế, trách nhiệm của người Kitô hữu là không để cho muối bị nhạt đi, không được để cho sự thật và ân sủng của Chúa bị hư đi.

Hình ảnh ánh sáng bổ túc cho những gì mà hình ảnh muối đất không diễn tả được. Chứng tá đời sống tốt lành của người Kitô hữu chắc chắn đem lại niềm vui, và khích lệ người khác sống tốt lành thánh thiện hơn.

Ý thức những yếu đuối bất toàn của mình, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, để trở thành muối cho đời và ánh sáng thế gian, ngõ hầu danh Chúa được nhận biết và yêu mến.

 

Suy niệm 5: Muối và ánh sáng 

Sứ mệnh của người Kitô hữu được Chúa Giêsu so sánh với vai trò của muối và ánh sáng trong cuộc sống con người. Cho đến thời Chúa Giêsu, thì muối vẫn còn giữ vai trò huyết mạch trong cuộc sống con người. Trong Cựu ước các giao ước được ký bằng muối, muối còn là gia vị tối cần cho thức ăn. Vì muối có thể quí hơn vàng nên người ta thường dùng để đổi chác và từ đó cũng lấy nó là biểu tương có chữ tín giữa người với người. Ngôn ngữ Ả rập thường nói : có muối giữa chúng ta, để nói lên sự tin tưởng tín nhiệm nhau. Muối cũng là biểu tượng của mối giây liên kết giữa nhiều con người lại, là biểu tượng của tình liên đới.

Nếu muối là biểu tượng của chữ tín và của tình liên đới, thì ánh sáng là biểu tượng của chính sự sống. Không có ánh sáng mặt trời, không thể có sự sống trên trái đất. Cũng vậy, không thể có sự sống tâm linh, nếu không có ánh sáng thần linh. Chúa Giêsu đã tuyên bố : "Ta là ánh sáng thế gian". Cuộc sống con người sẽ trở thành vô nghĩa và đồng nghĩa với sự chết, nếu không có Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã trao ban sứ mệnh trở thành ánh sáng thế gian cho người kitô hữu. Đón nhận ánh sáng từ Chúa Kitô người kitô hữu cũng được mời gọi chiếu ánh sáng ấy đến cho người khác, để mang lại sức sống và ý nghĩa cho cuộc đời.

Giáo Hội vẫn ý thức vai trò là muối và ánh sáng giữa trần gian bởi vì Giáo Hội là Thân Thể của Đấng đã đến bày tỏ cho nhân loại hướng đi cốt yếu của nó: đó là sống với Thiên Chúa. Giáo hội là muối để nối kết con người với Thiên Chúa, Giáo Hội là ánh sáng để mang ý nghĩa cho cuộc đời. Đã có một thời các kitô hữu trong các nước văn minh Kitô giáo đã thấy rõ điều đó. Giáo Hội luôn đi tiên phong trong các công tác văn hóa giáo dục.

Những giá trị nhân bản hướng dẫn nên văn minh nhân loại cũng chính là những giá trị được múc lấy từ  Tin mừng. Mãi mãi, con người không thể loại bỏ Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của mình.

Tuy nhiên, ngày nay ngay cả những nước theo văn minh Kitô giáo, ảnh hưởng của Giáo Hội bắt đầu suy giảm : người ta không còn chấp thận vai trò ánh sáng và muối của Giáo Hội nữa, nhất là tại các nước mà Giáo hội chỉ là thiểu số. Chúng ta phải sống vai trò muối và ánh sáng như thế nào ? Trong hoàn cảnh hiện tại, đó có thể là từ bỏ những huênh hoang địa vị, khước từ mọi thứ đặc quyền đặc lợi, chấp nhận thua thiệt để chỉ còn một đảm bảo là niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với con người. Niềm tin ấy sẽ bừng lên giữa tàm tối, và lúc đó người kitô hữu có thể xác tín mình là muối ướp mặn đời, là ánh sáng soi chiếu trần gian.

 

Chia sẻ: