Lẽ
Sống
Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia
Ngày 06 Tháng Mười Một
Ðồng Bạc Nhân Nghĩa
Một
câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng
trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết
mệt mỏi suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ,
lấy ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ
ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi
tiền vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.
Khi
chết xong, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.
Ðứng
trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: "Món này
giá bao nhiêu vậy?". Người bán hàng trả lời: "Một xu". Ông phú
hộ chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: "Còn hộp cá mòi kia giá bao
nhiêu?". "Cũng một xu", người bán hàng nhã nhặn trả lời.
Thấy
người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?".
"Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu", người
bán hàng cho biết.
Ông
phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía,
ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo
lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói:
"Ông đã học được quá ít trong cuộc sống". Nghe nói thế ông phú hộ
không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: "Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi
không đủ để trả cho đĩa thức ăn này sao?".
Bấy
giờ người thu tiền mới cho ông biết: "Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng
tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo
túng, đói khổ".
Tại
những vùng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo đến từ Trung Hoa, vào những ngày giỗ
hay ngày tư, ngày tết, các phật tử có thói quen đốt những giấy tiền vàng bạc
với niềm tin là qua đó họ có thể gửi tiền ấy cho ông bà, cha mẹ đã quá cố để họ
có thể tiêu xài nơi chốn suối vàng.
Những
người Công Giáo cũng thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với những thân nhân
đã qua đời bằng cách dâng những hy sinh và kinh nguyện đặc biệt trong tháng 11
mỗi năm. Cộng vào đấy, là những hành động bác ái, chia sẻ, làm thay cho những
người đã từ biệt cõi đời.
Lúc
rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật thật rõ ràng ý nghĩa của biến cố
"Nhập Thể" của Ngài: Ngài không những "làm người" trong một
thân xác duy nhất, ngài còn đồng hóa mình với tất cả mọi người để nếu chúng ta
yêu thương bất kỳ ai, đó là chúng ta cũng yêu mến Ngài.
Ðể sống trọn ý nghĩa
của tháng 11, tháng các đẳng linh hồn, chúng ta không chỉ dâng lời cầu nguyện
cho những người đã khuất bóng, nhưng cũng hãy gia tăng những việc từ thiện bác
ái, chia cơm sẻ áo với những anh chị em thiếu thốn đang sống bên cạnh, để dâng
các công đức ấy cho các đẳng, đồng thời cũng để thâu nhập cho chính chúng ta
những công nghiệp có giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu.