Lẽ Sống
Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia
Ngày 25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
Trong
một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để sống", Ðức Cha Helder
Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi
lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm
ngày tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm,
tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: "Có chứ!...
Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu".
Do những
đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: "Thế thì những lúc mưa
gió, chú trú ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời: "Bộ ông nghĩ là thỉnh
thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm
cười đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà...".
Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết
đi: liệu ngươi không chết sao?".
Tôi cứ
nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt... Chú
sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: "Ông không biết
là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?".
Lần
kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi.
Nó chỉ cười trả lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi,
tôi cười và tôi hót".
Một
lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn
bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con
chim.
Qua câu chuyện ngụ
ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm
trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ
chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như
mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu
việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.
Ngày nay, con người
mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng
chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua
chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng
của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ
hết.