Lẽ Sống
Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng
Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia
Ngày 07 Tháng Chín
Ðâu Là Hạnh
Phúc Ðích Thực
Seiji Katagire, một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của
chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu.
Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được
những âm thanh khủng khiếp báo hiệu một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự
nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây
tử thương cho 24 hành khách và hàng trăm người bị thương.
Khi cuộc điều tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay
đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa thần kinh học cho rằng những tiếng
kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác
mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn... Theo
các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu
hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.
Theo những con số chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện
thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người mắc bệnh mất trí và thác loạn thần
kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh
tế tại quốc gia này... Người Nhật Bản nổi tiếng là người cần cù siêng năng nhất
thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách đến trường với một vị bộ trưởng trong
chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương
châm của cuộc sống... Sự cố gắng đó vừa đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng
vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có
thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có thể đưa đến chỗ mất công ăn việc
làm... Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến người Nhật không chịu đựng được sự
thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã không biết bao nhiêu học sinh Nhật
đến chỗ tự vận.
Nhật Bản là quốc gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước
một trong những kỹ thuật cao nhất thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự
giàu có phồn thịnh đó có đem lại cho con người hạnh phúc hay không?
Hạnh
phúc là một cái gì vô cùng tương đối... Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.
Chúng
ta hãy thử so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong
một gia đình mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ
bánh mì tây sẽ tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn
lần niềm vui của những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương
mỹ vị.
Một
chiếc áo mới mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho
em bé đó vui hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.
Của
cải vật chất là một điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với
phẩm giá con người. Những phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều
hơn trong nhân cách. Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân
bản và tinh thần. Có hiều hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta
thường đề ra để kêu gọi giúp đỡ các nước kém mở mang... Tuy nhiên, tự nó, của
cải vật chất, sự giàu có, những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng
đích của con người.
Người
Kitô luôn thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng
hay đang tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không
nên làm họ mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình.
Hạnh
phúc duy nhất và đích thực trong cuộc sống của người Kitô phải là chính Chúa.
Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật
chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn
nhất của cuộc sống.