Lẽ Sống
Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia
Ngày 20 Tháng Ba
Ánh Sáng Ðô Thị
Một
trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những
cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: "Ánh
sáng đô thị". Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán
hoa.
Nàng
là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng
dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua
hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã
chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ
lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.
Nhưng
chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian
cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù,
nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng,
người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng
lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình
cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như
nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại.
Chàng hỏi một cách nhút nhát: "Cô đã thấy được rồi sao?". Người con
gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng.
Và nàng thốt lên trong cảm xúc: "Anh đấy sao?". Thế là cả hai đã nhận
ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa ?
Cuộc gặp gỡ trong
bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa
chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người
có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn
là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự
do.
Những người Do
Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh
của Ngài. "Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ".
Ngày nay thì trái
lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không
còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người
muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Chúng ta có thể
ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt
phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên
trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của
Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên
Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con
người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con
người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục
sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của
tình yêu. Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó
khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân
thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân
thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên
Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.
Thiên Chúa đến gặp
gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc
sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong
tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và
ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên
Chúa cũng có mặt.
Nhận
ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi
của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách
Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường
nhất của cuộc sống.